Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng là một ngành đào tạo mới tại các trường đại học, cao đẳng trong những gần đây, thu hút được sự quan tâm đặc biệt của xã hội với số lượng chỉ tiêu và điểm tuyển sinh liên tục tăng cao.
Theo Báo cáo Logistics Việt Nam 2023 của Bộ Công Thương, đến nay trên cả nước đã có 59 trường đại học, cao đẳng tuyển sinh và đào tạo ngành/chuyên ngành về logistics với quy mô tuyển sinh là khoảng 5.600 chỉ tiêu/năm.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đa số giảng viên logistics hiện nay được chuyển sang từ các ngành đào tạo khác như kinh tế, quản trị kinh doanh, quản lý công nghiệp, marketing, kế toán, kiểm toán, thương mại điện tử... Các giảng viên này vừa thiếu kiến thức chuẩn hoá, vừa thiếu kinh nghiệm giảng dạy ngành logistics.
Đồng thời, do không được đào tạo chuyên sâu về logistics, các giảng viên này có thể chưa cập nhật với thực tế diễn biến của ngành, đặc biệt trong bối cảnh ngành dịch vụ logistics đang có thay đổi nhanh chóng dưới tác động của chuyển đổi số và xanh hóa chuỗi cung ứng. Điều này có ảnh hưởng nhất định đến sự nhất quán trong cách hiểu, cách truyền đạt các khái niệm, nội dung về logistics nói riêng và chất lượng giảng dạy nói chung.
Lễ bế giảng, trao Giấy chứng nhận Chương trình Tập huấn kiến thức về logistics cho giảng viên tại TP.HCM, ngày 30/3/2024
Đại diện VALOMA cho biết, với quan điểm giảng viên là yếu tố trung tâm và ảnh hưởng quan trọng tới chất lượng đào tạo ngành logistics, VALOMA nhận thấy việc tổ chức khóa tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho các giảng viên về logistics cho các giảng viên trẻ, giảng viên chuyển từ ngành đào tạo khác là rất cần thiết.
"Vì vậy, trong nhiều việc phải làm để nâng cao chất lượng và mở rộng phạm vi đào tạo về logistics, việc nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên là vấn đề được VALOMA đặt lên hàng đầu", đại diện VALOMA nhấn mạnh.
Mục tiêu của Chương trình tập huấn là giúp các giảng viên trẻ, các giảng viên chuyển từ ngành đào tạo khác được chuẩn hóa các kiến thức cơ bản trong lĩnh vực logistics; định hướng sơ bộ về chương trình đào tạo ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng cũng như cập nhật thông tin về thực tiễn pháp luật, quản lý nhà nước, hoạt động của doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics.
Cụ thể, Chương trình tập huấn bao gồm 8 chuyên đề chuyên sâu được trình bày bởi những giảng viên lâu năm và chuyên gia về logistics, cán bộ quản lý nhà nước về logistics, đại diện doanh nghiệp dịch vụ logistics bao gồm:
Chuyên đề 1: Khái quát về logistics, các khái niệm cơ bản về logistics.
Chuyên đề 2: Các nội dung giảng dạy về logistics ở trường đại học.
Chuyên đề 3: Hạ tầng logistics tại Việt Nam.
Chuyên đề 4: Thực trạng hoạt động dịch vụ logistics tại Việt Nam.
Chuyên đề 5: Quản lý nhà nước, chính sách, pháp luật về logistics.
Chuyên đề 6: Công nghệ, chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong logistics.
Chuyên đề 7: Một số vấn đề mới trong logistics
Chuyên đề 8: Một số vấn đề thực tiễn về hoạt động logistics tại doanh nghiệp.
Ngoài các chuyên đề kiến thức, Chương trình tập huấn còn bao gồm hoạt động đi thực tế tại Trung tâm Logistics Viettel Post (Khu công nghiệp Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội) và Trung tâm Logistics U&I (Bình Dương).
Các học viên Chương trình tập huấn đi khảo sát thực tế tại Trung tâm Logistics U&I (Bình Dương)
Nguồn: Tạp chí công thương