Sau ba ngày làm việc sôi nổi từ ngày 17 đến 19/3/2025, Hội thảo quốc tế lần thứ 11 về "Sự không chắc chắn tích hợp trong mô hình hóa tri thức và ra quyết định" (IUKM 2025) đã khép lại thành công tại Đại học Công nghiệp TP.HCM (IUH). Đây là một trong những sự kiện khoa học quan trọng của cộng đồng các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (ML) và quản lý dữ liệu không chắc chắn, quy tụ sự tham gia của đông đảo các nhà nghiên cứu, chuyên gia và giảng viên từ nhiều quốc gia trên thế giới.
Hội thảo IUKM là sự kiện thường niên được tổ chức với mục tiêu tạo dựng một diễn đàn khoa học uy tín, nơi các chuyên gia có thể trao đổi, chia sẻ và giới thiệu những tiến bộ mới nhất trong việc xử lý và mô hình hóa dữ liệu không chắc chắn, giúp cải thiện độ chính xác và tính minh bạch trong các hệ thống AI và học máy. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, việc xây dựng các mô hình dự báo hiệu quả và hỗ trợ ra quyết định đang trở thành vấn đề trọng tâm của nhiều lĩnh vực, từ tài chính, y tế đến công nghệ quốc phòng.
Năm nay, IUKM 2025 được IUH đăng cai tổ chức dựa trên sự nỗ lực phối hợp của hai đơn vị là Viện Tài chính Kế toán và khoa Công nghệ Thông tin, với vai trò phối hợp tổ chức cũng như tham gia học thuật tại các phiên báo cáo. Bên cạnh đó, Hội thảo còn nhận được sự đồng hành của của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia TP.HCM và Viện Khoa học Công nghệ Tiên tiến Nhật Bản (JAIST). Hội thảo ghi nhận sự tham gia của hơn 200 đại biểu, bao gồm các giáo sư, chuyên gia quốc tế, học viên cao học và sinh viên.
Các chuyên gia quốc tế tại phiên bế mạc
Tại phiên khai mạc diễn ra vào sáng ngày 17/3, các nhà khoa học đã được giới thiệu, phản ánh những xu hướng tiên tiến nhất trong lĩnh vực xử lý dữ liệu không chắc chắn. GS. Nguyễn Trung Hưng (Đại học Bang New Mexico, Hoa Kỳ) trình bày về Đại số dành cho Sự kiện có Điều kiện (CEA), một công cụ giúp cải thiện suy luận xác suất trong hệ thống AI. GS. Sebastien Destercke (Université de Technologie de Compiègne, France) nhấn mạnh vai trò của hợp nhất thông tin trong việc ước lượng tham số từ dữ liệu không chính xác, mở ra hướng đi mới trong phân tích rủi ro và dự báo. GS. Katsushige Fujimoto (Fukushima University, Japan) giới thiệu về Explainable AI (XAI) với phương pháp SHAP và chỉ số tương tác, giúp giải thích rõ hơn cách các mô hình AI đưa ra quyết định. Trong khi đó, GS. Hiroshi Mamitsuka (Kyoto University, Japan) đã mang đến phương pháp Deep Tensor Learning, hỗ trợ dự đoán tác dụng phụ của thuốc thông qua dữ liệu ba chiều. Ngoài ra, bài trình bày của GS. Richard Yamada (Office of Naval Research Global, USA) về các cơ hội hợp tác nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực AI và công nghệ quốc phòng cũng thu hút nhiều sự quan tâm.
Toàn cảnh hội trường tại phiên khai mạc
Ngay sau đó, các tiểu ban của hội thảo đã làm việc liên tục trong 3 ngày ở 12 phiên làm việc với nhiều chủ đề khác nhau. Với hơn 120 bài nghiên cứu, trong đó 55 bài được công bố trong kỷ yếu, hội thảo tiếp tục khẳng định vị thế của mình là một trong những sự kiện khoa học hàng đầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và khoa học dữ liệu. Việc có sự tham gia của hơn 200 đại biểu không chỉ cho thấy sức hút của hội thảo mà còn mở ra nhiều cơ hội hợp tác nghiên cứu giữa các viện khoa học, doanh nghiệp và tổ chức giáo dục trên toàn thế giới. Nhiều nghiên cứu tại hội thảo cũng đã đưa ra các ứng dụng thực tiễn tiềm năng trong nhiều ngành nghề, từ tài chính, y tế đến kỹ thuật hệ thống và an ninh mạng.
Các chuyên gia nghiên cứu trình bày tại các tiểu ban
Tại các tiểu ban của hội thảo, có thể thấy rằng sự phát triển nhanh chóng của AI và học máy (machine learning) đặt ra nhiều thách thức trong việc đảm bảo tính minh bạch và chính xác của các mô hình phân tích dữ liệu. Vì vậy, những nghiên cứu được trình bày tại IUKM 2025 đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề về sự bất định trong khoa học dữ liệu và ra quyết định. Đối với Đại học Công nghiệp TP.HCM, đặc biệt là với hai đơn vị trực tiếp tham gia việc tổ chức Hội thảo là Viện Tài chính – Kế toán và Khoa Công nghệ Thông tin, IUKM 2025 là cột mốc quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác liên ngành trong đào tạo và nghiên cứu khoa học. Đáng chú ý, chương trình Công nghệ Tài chính (Fintech) hệ đại học sẽ chính thức tuyển sinh từ năm học 2025-2026, đánh dấu một trong những thành quả đầu tiên của sự hợp tác này. “Các nghiên cứu đã chỉ ra vai trò của công nghệ thông tin trong ứng dụng đối với lĩnh vực tài chính kế toán. Ngành Công nghệ Tài chính (Fintech) đã được triển khai đào tạo tại Viện Tài chính – Kế toán (IUH) sẽ tiếp tục được nâng cao chất lượng dựa trên những kiến thức và công nghệ mới nhất từ hội thảo. Những nghiên cứu về AI, dữ liệu lớn và bảo mật tài chính tại IUKM 2025 sẽ góp phần định hướng cho chương trình giảng dạy và các dự án nghiên cứu sắp tới, giúp sinh viên tiếp cận với những tiến bộ công nghệ và chuẩn bị tốt hơn cho thị trường lao động”. PGS.TS Trần Ngọc Hùng (Viện Tài chính Kế toán – IUH), cho biết thêm.
PGS. TS. Trần Ngọc Hùng (Viện Tài chính Kế toán – IUH) trình bày tại phiên báo cáo
Thành công của IUKM 2025 đánh dấu bước tiến quan trọng trong cộng đồng nghiên cứu khoa học. Trong tương lai, hội thảo dự kiến mở rộng quy mô, thu hút thêm nhiều chuyên gia từ các lĩnh vực liên quan, đồng thời thúc đẩy hợp tác quốc tế để đưa nghiên cứu từ lý thuyết vào ứng dụng thực tiễn. IUKM không chỉ là một diễn đàn học thuật mà còn là cầu nối giúp khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo phát triển theo hướng bền vững, hiệu quả.
Nguồn: https://iuh.edu.vn/vi/tin-tuc-su-kien-fi11/hoi-thao-quoc-te-iukm-2025-khep-lai-thanh-cong-mo-ra-nhieu-trien-vong-hop-tac-khoa-hoc-a2421.html