Nhằm phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo của tuổi trẻ và đẩy mạnh công tác tuyên truyền tư tưởng, thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chủ trương của Đảng, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Nhân dịp chào mừng kỷ niệm 92 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/03/1931 - 26/03/2023) và chào mừng Đại hội Đại biểu Hội Sinh viên Việt Nam Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ VIII, vào ngày 29/03/2023 Đoàn khoa Kế toán - Kiểm toán đã tổ chức chuyến đi đến các Địa chỉ đỏ cùng các bạn Đoàn viên Khoa Kế toán - Kiểm toán.
Trong cuộc hành trình lần này, Đoàn - Hội Khoa Kế toán -kiểm toán đã đặt chân đến 5 địa điểm:
Phở Bình: 7 Lý Chính Thắng, Phường 8, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.
Đây là ngôi nhà được nhà cách mạng Ngô Toại mua lại và sau đó đã được chọn là Sở chỉ huy Biệt động Sài Gòn. Nơi này là Sở Chỉ huy tiền phương Phân khu 6 trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968. Vào năm 1988, căn phòng nơi đây đã được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia.
Bia tưởng niệm các chiến sĩ biệt động hy sinh trong trận đánh tòa Đại sứ Mỹ, trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968: 4 Lê Duẩn, Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam. Bia tưởng niệm được đặt tại góc đường Mạc Đình Chi - Lê Duẩn để tưởng niệm các chiến sĩ đã anh dũng hy sinh quên thân mình trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Tuất năm 1968.
Trung tâm đấu tranh công khai của tuổi trẻ Thành phố thời chống Mỹ: 4 Phạm Ngọc Thạch, Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.
Trước năm 1968, số 4 Duy Tân là trụ sở hoạt động của Tổng hội Sinh viên Sài Gòn - tổ chức công khai do Thành Đoàn lãnh đạo. Tại đây đã diễn ra nhiều hoạt động đấu tranh như: ra mắt tờ báo Sinh viên, tổ chức ca múa nhạc kịch, tuyên truyền những ca khúc cách mạng, dự trữ thuốc men, quần áo,... vừa cứu trợ đồng bào trong chiến tranh, vừa phục vụ chiến đấu của lực lượng cách mạng khi hoạt động ở nội thành. Ngày 15/08/1979, nơi đây đã được nâng cấp và đổi tên thành Nhà Văn hóa Thanh niên.
Hầm chứa vũ khí của Biệt động Sài Gòn tấn công Dinh Độc Lập Tết Mậu Thân 1968: 287/70 Nguyễn Đình Chiểu, Phường 5, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam. Năm 1966, đồng chí Trần Văn Lai (tức Năm Lai) đã mua căn nhà này để làm cơ sở giấu vũ khí phục vụ cho các trận đánh vào Dinh Độc Lập trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968. Tuy căn hầm đã từng rơi vào tay địch nhưng căn hầm vẫn luôn là bí mật cho đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 30/04/1975. Vào năm 1988, căn nhà số 287/70 Nguyễn Đình Chiểu, Phường 5, Quận 3 đã được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa quốc gia.
Cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1945: 122/8 Ngô Gia Tự, Phường 9, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh. Căn nhà gỗ có một căn hầm bí mật có lối đi xuống nằm trong tủ quần áo. Căn hầm được sử dụng để in truyền đơn, tài liệu từ chiến khu An Phú Đông đưa về phát cho hàng trăm cơ sở trong thành phố. Cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia.
Thông qua chuyến đi bổ ích lần này, các bạn Đoàn viên sẽ có được những kiến thức bổ ích và hiểu hơn về quá trình đấu tranh giữ nước đầy hào hùng và dũng cảm của ông cha và đồng thời chuyến đi này có thể khơi dậy niềm tự hào về truyền thống vẻ vang của dân tộc.