Cuối tháng 3, đầu tháng 4 thường là mùa công bố báo cáo tài chính của các doanh nghiệp. Còn đối với cổ đông, đây là mùa để họ thi tài tìm... gian lận trong các báo cáo này.
Theo Thông tư số 09/2010/TT-BTC ngày 15.1.2010, các công ty đại chúng phải công bố thông tin về báo cáo được kiểm toán chậm nhất là 10 ngày sau thời hạn hoàn thành báo cáo tài chính năm, tức khoảng ngày 10.4 đối với các công ty kết thúc kỳ kế toán năm vào ngày 31.12. Đây cũng là yêu cầu từ phía cổ đông của nhiều công ty khác. Tuy nhiên, không phải lúc nào yêu cầu này cũng được đáp ứng. Hoặc báo cáo chưa được kiểm toán, hoặc chỉ là các con số tạm tính. Đến khi báo cáo kiểm toán được phát hành hay báo cáo cuối cùng được công bố thì các con số đã có sự khác biệt đáng kể, như từ lãi cao thành lãi thấp, thậm chí lỗ, hoặc ngược lại.
Vậy nhà đầu tư phải đánh giá như thế nào về tính trung thực và hợp lý của số liệu tài chính chưa được kiểm toán, hoặc số liệu tài chính dự thảo trước khi có báo cáo tài chính cuối cùng, để từ đó có quyết định đầu tư đúng đắn?
Bài viết này đề cập đến các gian lận trong báo cáo tài chính. Đó là các thủ thuật kế toán mà chủ sở hữu hay nhà quản lý sử dụng để làm sai lệch về tình hình tài chính và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Việc này không quá khó để thực hiện vì các chuẩn mực kế toán khá linh hoạt, cho phép áp dụng nhiều phương pháp kế toán, nhiều nghiệp vụ mang tính đánh giá chủ quan của nhà quản lý. Các mánh khóe gian lận cũng không dễ bị phát hiện, vì đó là gian lận các con số và không có sự mất mát tài sản hữu hình. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, khó có thể đánh giá cách hạch toán đó là đúng hay sai.
Dưới đây là những gian lận báo cáo tài chính thường gặp.
1. Phù phép thời gian
Vào những ngày cuối năm, công ty có thể ghi nhận doanh thu trước khi thực sự xuất hàng để đạt chỉ tiêu doanh thu. Việc hạch toán doanh thu được thực hiện ngay khi xuất hóa đơn vào ngày cuối năm trong khi sang năm mới, sau nhiều ngày, hàng mới được xuất đi. Đối với các công ty xuất khẩu, chênh lệch thời gian nói trên thường rất lớn, đẩy doanh thu tăng lên đáng kể. Thủ thuật này cũng có thể dễ dàng áp dụng đối với doanh thu cung cấp dịch vụ bằng cách thay đổi thời gian và mức độ hoàn thành dịch vụ. Một hình thức khác là phân bổ chi phí hoặc thu nhập cho nhiều kỳ, thay vì ghi nhận toàn bộ một lần hay ngược lại.
2. Tạo nghiệp vụ ảo
Các công ty có thể dùng các tổ chức hoặc cá nhân liên quan làm công cụ hỗ trợ. Chẳng hạn, ký các hợp đồng mua bán với số lượng cao và giá bán tốt với một số công ty mà thực chất là công ty mẹ, công ty con hoặc các công ty “chị em” trong tập đoàn, nhằm tăng doanh số tạm thời, tạo nhu cầu và giá bán ảo cho hàng hóa của công ty. Khi cần đạt chỉ tiêu lợi nhuận, các công ty cũng có thể “thanh lý” hàng tồn kho hoặc tài sản cố định cho người quản lý hoặc cổ đông công ty. Nhân viên bán hàng cũng có thể thỏa thuận với khách hàng lấy nhiều hàng vào cuối năm, sau đó trả lại vào đầu năm sau để được thưởng doanh số.
Một trường hợp khác là công ty vội vàng ghi nhận doanh thu khi khách hàng mới chỉ dùng thử sản phẩm và có quyền trả lại hàng hóa nếu không hài lòng, hoặc hàng xuất đi chỉ là hàng gửi bán mà chưa được bán ra. Đối với một số hàng hóa đặc thù như hóa chất, nhiều công ty còn cho phép khách hàng là những nhà phân phối hoàn trả lại hàng khi sắp hết hạn sử dụng. Mặc dù thường xuyên có một tỉ lệ hàng trả lại nhất định nhưng vào cuối năm, công ty vẫn “quên” lập dự phòng cho số hàng này. Mua hóa đơn cho những chi phí không có thật cũng là một gian lận khá phổ biến.
3. Ghi nhầm chỗ
Thường gặp nhất là việc các công ty ghi nhận các khoản thu nhập khác vào doanh thu như thu nhập từ hoạt động tài chính và thu nhập bất thường, nhằm tăng tỉ lệ tăng trưởng doanh thu, tạo ảo tưởng về tiềm năng phát triển của công ty. Các khoản thu nhập như chiết khấu thanh toán, thanh lý tài sản cố định là ví dụ. Các chi phí cá nhân cũng được hạch toán vào chi phí công ty. Kiểu gian lận này có thể được dùng nhiều, khi liên quan tới bất động sản và phương tiện đi lại.
4. Che giấu giao dịch
Với nhiều mục đích khác nhau, nhiều giao dịch bị che giấu bằng cách không hạch toán hoặc hạch toán dưới nội dung khác. Doanh thu bán phế phẩm, hoa hồng và chiết khấu nhận từ nhà cung cấp không được ghi vào sổ sách nhằm đem lại lợi ích cho cá nhân.
Những công ty mà hoạt động xuất khẩu là chính có thể không xuất hóa đơn và ghi nhận doanh thu với hàng bán trong nước nhằm trốn thuế. Những khoản chi hoa hồng, tiền hối lộ, chi phí cho cá nhân được hợp thức hóa bằng các hợp đồng tư vấn. Các chi phí chưa nhận được hóa đơn vẫn không được trích trước dù đã phát sinh trong kỳ báo cáo, nhằm làm tăng lợi nhuận và giảm nợ phải trả. Thuế không được tính và kê khai đầy đủ. Các khoản nợ xấu và hàng chậm luân chuyển, trợ cấp thôi việc không được trích lập dự phòng…
5. Thay đổi chính sách kế toán
Các chính sách kế toán thường xuyên bị biến hóa bao gồm phương pháp xác định giá thành sản phẩm, chính sách lập dự phòng, phương pháp khấu hao. Chi phí sản xuất có thể không được phân bổ đủ vào thành phẩm mà treo tại chi phí sản phẩm dở dang, dẫn đến giá vốn hàng bán giảm và lợi nhuận tăng. Ngược lại, chi phí sản xuất có thể bị hạch toán thẳng vào giá vốn hàng bán hay chi phí khác để làm giảm giá trị thành phẩm tồn kho và giá vốn hàng bán trong năm tới. Tỉ lệ nợ xấu và hàng hỏng cần lập dự phòng được giảm đi để cải thiện tình hình lợi nhuận trong năm. Thời gian khấu hao của tài sản được kéo dài để giảm chi phí khấu hao.
Đối với các ngành nghề khác nhau, các hình thức gian lận báo cáo tài chính thường gặp cũng khác nhau. Thủ thuật hay được sử dụng trong ngành ngân hàng là phân loại sai các khoản vay theo mức độ rủi ro nhằm giảm chi phí dự phòng và tăng thu nhập từ tiền lãi. Thủ thuật thứ hai là không lập hoặc lập dự phòng không đủ cho các khoản đầu tư chứng khoán, đặc biệt là chứng khoán trên thị trường tự do và những khoản đầu tư dài hạn vào các công ty. Một thủ thuật nữa là bán những khoản đầu tư cho các bên liên quan với giá cao hơn giá thị trường nhằm đạt chỉ tiêu lợi nhuận.
Đối với các công ty sản xuất, gian lận báo cáo tài chính phổ biến là đẩy chi phí sản xuất vào sản phẩm dở dang nhằm tăng giá trị hàng tồn kho, giảm giá vốn hàng bán và tăng lợi nhuận; lập dự phòng không đầy đủ đối với hàng hỏng và hàng chậm luân chuyển; kéo dài thời gian khấu hao của tài sản cố định. Chia tách công ty để tăng giá trị tài sản thông qua việc đánh giá lại tài sản theo giá trị thị trường cũng là một cách gian lận.
Đối với doanh nghiệp bán lẻ, hình thức gian lận thường gặp là không lập đủ dự phòng cho hàng chậm luân chuyển và lỗi thời; không ghi nhận các khoản chiết khấu được hưởng từ nhà cung cấp; không ghi nhận đủ doanh số bán hàng bằng tiền mặt.
Để phát hiện gian lận, nhà đầu tư cần thường xuyên cập nhật thông tin phi tài chính về công ty, đội ngũ lãnh đạo và sự thay đổi các cổ đông lớn. Khi có sự thay đổi liên tục giám đốc tài chính hoặc kế toán trưởng, nhà đầu tư cũng cần tìm hiểu nguyên nhân. Các cổ đông nên làm quen với cách đọc báo cáo tài chính, đặc biệt là các thông tin trong thuyết minh báo cáo và hiểu một số chỉ số tài chính cơ bản như vòng quay hàng tồn kho, số ngày phải thu, tỉ lệ lãi gộp. Có như vậy, nhà đầu tư mới thấy được sự bất hợp lý của số ngày phải thu trong báo cáo năm nay so với năm trước, rủi ro nợ xấu không được lập dự phòng, sự biến động lớn số dư của các tài sản hay các khoản nợ tiềm ẩn. Nhà đầu tư cũng cần cảnh giác trước sự thay đổi chính sách khấu hao, các giao dịch với các bên liên quan và những khoản chi phí hay thu nhập bất thường.
(Theo Nhịp Cầu Đầu Tư)